Môsê, ông là ai?

VRNs (08.03.2012) – Ephata – Người ta thống kê được rằng, trong sách Kinh Thánh của Hội Thánh Công Giáo, 75% là chuyện kể, 15% là thi ca, còn lại chỉ có 10% là huấn từ hay chỉ dụ. Nếu chỉ xem phần bốn cuốn Tin Mừng của Tân Ước, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Chúa Giêsu rất hay dùng chuyện kể, mô tả sự vật, để truyền tải sứ điệp Tin Mừng, rất ít khi Chúa dùng lý thuyết, càng ít hơn, hầu như không có những lời dài dòng vòng vo, siêu thực.

Khi dùng chuyện kể, sự vật, Chúa Giêsu lại rất hay dùng những câu chuyện, những hình ảnh, những sự vật hết sức bình dị, gần gũi thân quen của người dân Do Thái lúc bấy giờ. Cây cải và hạt cải mọc hoang đầy đường thành từng bụi. Men và bột nhà nào mà không có, người Do Thái nào mà không ăn. Muối dân tộc nào mà không biết. Đèn ai sống mà không cần. Chim trời nơi nào mà không thấy… Về chuyện kể, chuyện gia đình, chuyện cha chuyện con, chuyện anh em ruột thịt, chuyện thưa chuyện kiện, chuyện giàu chuyện nghèo… Cứ thế, rất cụ thể từng bài học, từng lời giáo huấn xuyên suốt chuyển tải chuyện Nước Trời.

Hình như hôm nay không mấy ai dùng cách của Kinh Thánh và đặc biệt là cách của Chúa Giêsu để rao giảng hoặc dạy Giáo Lý. Người ta thiên về hùng biện, chú trọng đến kiến thức, dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ đánh bóng bài giảng, hoặc giả như có ai kể chuyện thì lại hay “câu khách” bằng những câu chuyện nhảm nhí, vô duyên.

Cựu Ước để lại cho chúng ta một kho chuyện gần như bất tận, bởi không chỉ là câu chuyện nhưng là những hình ảnh tiên trưng về cuộc cứu độ của Chúa Giêsu, toàn bộ Cựu Ước nói về Chúa Giêsu, về sứ mệnh và cuộc đời của Ngài. Trong Mùa Chay, hình ảnh của Môsê nói về Chúa Giêsu một cách đặc biệt.

Môsê, một người Do Thái, sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, dân tộc ông trở nên nô lệ trên đất Ai Cập, lệnh của Vua Ai Cập tiêu diệt tất cả mọi con trai đầu lòng của người Do Thái. Ông thoát chết nhờ sự khéo léo của mẹ ông, rồi trở nên con nuôi trong hoàng cung Ai Cập. Lòng trung thành với Thiên Chúa, tình yêu ông dành cho dân tộc đã lôi ông ra khỏi nhung lụa, khỏi những đặc quyền đặc lợi để dấn thân vào một sứ mạng vô định đầy hiểm nguy. Có lẽ từ đầu ông không ý thức đầy đủ về sứ mạng này, nhưng với thời gian, nhất là với cách đào tạo của Thiên Chúa, ông ý thức mạnh mẽ và chấp nhận hy sinh. Con Thiên Chúa còn phải học cho biết vâng lời cơ mà!

Dọc theo hành trình của ông, mục đích là giải phóng Dân Thiên Chúa khỏi kiếp nô lệ, xác định rõ mục tiêu và mục tiêu rất chính đáng, rất tỏ tường, nhưng con đường đi đến mục tiêu sao đầy cay đắng! Ông làm gì thì người ta cũng có thể cắt nghĩa theo chiều hướng xấu. Sau khi bênh người đồng chủng, ông lại can thiệp rất hữu lý vào một cuộc ấu đả giữa hai người Do Thái, lập tức ông bị bội phản, ông không được coi là người hùng của dân tộc nữa, người mang ơn ông sẵn sàng tố giác ông. Khi đứng trước quyền lực, ông kiên vững đấu tranh, nhưng ngay khi đó ông chao đảo, vì chính dân Do Thái chống lại ông, họ cắt nghĩa hành vi của ông là nguyên nhân làm cuộc sống họ xáo trộn, chính sách siết chặt của đế quốc làm dân chúng càng kêu than oán trách ông hơn, cuộc lữ hành đầy hứa hẹn trở nên hành trình kêu ca phản kháng, họ thèm thịt thèm rau, thèm củ hành củ tỏi ở đất Ai Cập. Nhiều lúc ông đã thất vọng hoàn toàn, đã thoái chí và than van cùng Chúa.

Ông đã nghĩ gì về dân tộc của ông? Về những con người mà ông dấn thân hy sinh gian khổ hiểm nguy để cứu họ? Nghĩ gì về những bộ mặt phản trắc làm hại ông? Những trang Kinh Thánh ngắn ngủi cô đọng không cho ta biết hết về những nghĩ suy đó, nhưng chắc chắn đó là một điều làm ông khổ tâm lắm! Không khổ tâm sao được khi cô độc trên con đường gian lao vì dân tộc, và cả vì tình yêu Thiên Chúa nữa.

Đất nước Ai cập đã một thời ghi ơn công lao của Giuse, rồi đến một thời không còn nhớ ơn của Giuse gì nữa. Dân Do Thái một thời làm khổ Môsê, nhưng cũng có một thời tuyên phong Môsê là một vị đại ngôn sứ, ngày ấy Môsê mất rồi, những hối tiếc cũng đã muộn. Môsê không còn sống để sẻ chia hạnh phúc vào Đất Hứa, ông lên núi nhìn về nơi đến của dân tộc mình mà vui với niềm vui riêng của ông, hạnh phúc riêng của ông, không ai chia sẻ được với ông vì người ta đã không đồng hành với ông, cho dù sau này họ nhận họ nhận hàng với ông, tất cả đã muộn màng. Số phận con người là như vậy.

Ông Môsê ấy đã hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu, các Đấng nói gì với nhau không ai biết, Môsê có nói với Chúa Giêsu về kinh nghiệm đau thương đời ông không? Không ai biết. Cho đến ngày nay vẫn là chuyện riêng của các Đấng, không ai biết. Chỉ có tiếng nói của Chúa Cha: “Hãy vâng nghe lời Người”.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 4.3.2012, Chúa Nhật 2 Mùa Chay

Nguồn: Ephata 499

Bình luận về bài viết này